Ngày 22 tháng 8 là ngày gì

Ngày này cách đây tròn 75 năm, ngày 22/8/1945, Bác Hồ đã rời căn lán nhỏ giữa rừng Nà Nưa, tạm biệt Tân Trào về Hà Nội chuẩn bị cho ngày lễ tuyên bố độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà 2/9/1945.

Tuyên Quang- mảnh đất cội nguồn, chiếc nôi lớn thuở đầu cách mạng. Năm 1945 - từ tháng 5 đến tháng 8,tại Tân Trào, Bác Hồ kính yêu và các đồng chí lãnh đạo Đảng đã sống những ngày gian khổ để lãnh đạo nhân dân ta chuẩn bị tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát-xít Nhật. "Bác Hồ ở Tân Trào”, đó là những ngày tháng lịch sử mà mỗi khi nhắc tới, lòng ta lại rưng rưng nhớ Bác.

Từ năm 1941, do có địa thế hiểm yếu, người dân triệt để giác ngộ cách mạng, các xã thượng huyện Sơn Dương trở thành nơi có phong trào cách mạng sớm và vững chắc. Ngày 10-3-1945, dưới sự lãnh đạo của Phân khu ủy Nguyễn Huệ, nhân dân xã Thanh La và lực lượng vũ trang cách mạng- nòng cốt là Đội Cứu quốc quân III- nổi dậy khởi nghĩa lật đổ chính quyền tay sai phát-xít Nhật, thành lập Ủy ban cách mạng xã. Ngày 16-3-1945, ta tấn công bức hàng lần hai đồn Đăng Châu ở huyện lỵ Sơn Dương, thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu- chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trong cả nước.

Ngày 21- 5-1945, núi rừng Tân Trào, Sơn Dương bừng lên rạng rỡ, đón đoàn cán bộ về từ Pác Bó, Cao Bằng. Đi trước đoàn là một ông cụ mặc bộ quần áo chàm dân tộc Nùng, dáng người mảnh dẻ nhanh nhẹn, nước da rám nắng, chòm râu thưa đen nhánh và đôi mắt sáng như sao. Đó chính là Bác Hồ kính yêu. Các đồng chí lãnh đạo Phân khu Nguyễn Huệ như Tạ Xuân Thu, Song Hào, Lê Trung Đình… chờ đón đoàn ở đình Hồng Thái. Bác bước vào đình, nhìn bao quát xung quanh, hiền từ như người cha đi xa lâu ngày trở về, ân cần hỏi thăm sức khỏe mọi người và tình hình phát triển phong trào cách mạng ở địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo Phân khu Nguyễn Huệ bố trí Bác Hồ và ba đồng chí cán bộ ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, dân tộc Tày, Chủ nhiệm Việt Minh xã Kim Long. Được ít hôm, đồng bào trong bản đã kháo nhau: Có một "ông cụ” mới về, hiểu sâu biết rộng, yêu dân, yêu bộ đội, lại chăm chỉ khác thường; đêm đọc tài liệu, đánh máy tới khuya, sáng mờ đất đã dậy quét nhà, tưới rau, lấy củi, đánh thức bộ đội đi tập, tăng gia giúp dân. Tuy bận công tác nhưng Bác Hồ rất quan tâm tới việc sản xuất và việc học chữ của dân; hôm nào đi thăm đồng thấy ruộng cạn là Người lại hăng hái vận động bà con cùng đi tát nước ngay.

Ngày 22 tháng 8 là ngày gì

Bữa cơm của Bác Hồ và các chiến sỹ ở Tân Trào trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp

Ở nhà dân khoảng một tuần, để giữ bí mật và tiện cho công việc, Bác Hồ chuyển lên chỗ ở mới. Các đồng chí bộ đội và cán bộ ở địa phương đã làm một căn lán nhỏ cho Bác, trong khu rừng Nà Nưa. Dưới chân rừng có dòng suối Khuôn Pén uốn lượn chảy qua. Căn lán bằng tre nứa lá đơn sơ, có hai gian nhỏ, gian trong để ở, gian ngoài để Người làm việc, tiếp khách. Bác mặc áo chàm, để râu dài, tóc đã đốm bạc, hai ống chân gày khẳng khiu làm cho chiếc quần soóc càng rộng; nhưng đôi mắt thì rất tinh anh . Người làm việc không lúc nào nghỉ ngơi. Khi đọc báo cáo, tài liệu, lúc đánh máy thảo văn bản, chỉ thị, khi họp bàn với cán bộ, đoàn thể, lúc thăm bộ đội, nhà dân, tăng gia sản xuất.…

Thời gian ở Tân Trào Người chỉ thị thành lập Trường Quân chính kháng Nhật, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng; thành lập Khu Giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Xã Tân Trào được chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, đầu não lãnh đạo cao trào kháng Nhật cứu nước trong toàn quốc. Từ căn lán nhỏ Nà Nưa ở Tân Trào, mọi chỉ thị, phương châm, đường lối, sách lược chỉ đạo toàn dân chuẩn bị vũ trang tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền được nhanh chóng truyền đi khắp nơi trong cả nước. Đồng thời Người chú trọng thiết lập, duy trì quan hệ chặt chẽ với quân Đồng minh.

Lúc này, phát-xít Nhật đang thất bại nặng nề trên chiến trường châu Á- Thái Bình Dương. Ở trong nước, cao trào kháng Nhật phát triển mạnh từ Bắc chí Nam. Cuối tháng 7-1945, tại Tân Trào, Trung ương gấp rút chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội đại biểu. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa hết sức khẩn trương, Người nói: "Có thể còn thiếu một số đại biểu nào đó chưa về kịp cũng họp, nếu không thì không kịp với tình hình chung”.

Giữa lúc công việc đang bộn bề, Bác bị ốm nặng, người xanh xao hốc hác. Những năm tháng bôn ba năm châu bốn bể, những đêm đông lê bước dưới xích xiềng ở nhà tù đế quốc, những đêm dài nếm mật nằm gai, mưa rừng, sốt rét, thiếu thốn, gian khổ… chắc đã vắt kiệt sức của Người. Trong một đêm sốt rét và mê mệt li bì trên sàn nứa lạnh giữa rừng tưởng không qua khỏi, khi vừa tỉnh lại, Người liền dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng kiên quyết giành cho được độc lập!”... Thế rồi thật may, nhờ bài thuốc nam gia truyền của đồng bào địa phương cùng với dùng thuốc ký ninh, Bác đã cắt cơn sốt, sức khỏe dần bình phục.

Từ ngày 13 đến 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng với trên 30 đại biểu các Đảng bộ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, họp trong khu rừng Nà Nưa. Tuy vừa ốm dậy, người còn xanh xao nhưng Bác vẫn gượng chống gậy tới họp, góp nhiều ý kiến chỉ đạo. Hội nghị bàn và quyết định những việc cấp bách liên quan tới vận mệnh đất nước, như thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Bộ tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam, đề ra Mười chính sách lớn của Việt Minh, chủ trương đối ngoại với Đồng minh, định ra nhiệm vụ quân sự, gấp rút phát triển nhiều đơn vị Giải phóng quân mới trong cả nước, ban hành Quân lệnh số 1.

Hai ngày sau, ngày 16-8, Đại hội Quốc dân (tiền thân của Quốc hội) khai mạc tại đình Tân Trào. Bác Hồ được bầu vào Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. Đại hội quyết định toàn dân đoàn kết đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền; thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa; bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời, do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; quy định Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam mới; thông qua Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh.

Có một chi tiết làm mọi người xúc động và nhớ mãi: Trong đoàn đại biểu nhân dân xã Tân Trào đến chào mừng Đại hội, có một em bé dân tộc thiểu số gày gò, vàng vọt; Bác đã chỉ vào em bé và nói với các đại biểu: "Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các em bé có cơm ăn no, có áo ấm mặc, được đi học, không lam lũ mãi thế này!”.

Ngay chiều ngày 16-8, dưới bóng đa Tân Trào lịch sử, bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa đã vang lên. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, những chiến sĩ Giải phóng quân chân trần áo vải, khí thế hừng hực, rầm rập vượt đèo De tiến về phía Nam. Ngày 17-8, Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam ra mắt quốc dân trước đình Tân Trào. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban Giải phóng dân tộc đọc lời tuyên thệ.

Ngay sau Đại hội Quốc dân, Người ra lời kêu gọi toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa: "… Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ, sau khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở xã Thanh La và châu Tự Do từ tháng 3- 1945, chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến 28-8-1945), cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra mau lẹ, quyết liệt và thành công trên phạm vi cả nước. Ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, phát-xít Nhật được thiết lập gần một trăm năm và chế độ phong kiến quân chủ chuyên chế nhà Nguyễn tồn tại gần hai trăm năm đã bị nhân dân ta lật đổ. Ngày 22-8-1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ dời Tân Trào về Hà Nội và ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, Người trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc ta.

Ngày nay, cuộc sống mới ấm no hạnh phúc đang bừng lên trên cả nước, nhưng Bác Hồ đã đi xa. Hình ảnh của Người và các vị lãnh tụ kính yêu đã sống, làm việc những ngày rất gian khổ ở Tân Trào để lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, vẫn còn đọng mãi trong lòng mỗi người dân nước Việt.