Điều tiết cạnh tranh là gì

Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh, có vai trò tích cực với sự phát triển kinh tế, xã hội mỗi quốc gia. Hiện nay, các chủ thể kinh doanh thực hiện những hành vi cạnh tranh không lành mạnh ngày càng tinh vi, đa dạng và rất khó phát hiện, những hành vi này đã và đang mang lại những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Do đó, nhà nước cần điều tiết cạnh tranh, điều chỉnh hành vi cạnh tranh, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Bài viết này bàn về vai trò của nhà nước trong hoạt động bảo vệ cạnh tranh trên thị trường.

Cạnh tranh là liều thuốc thần kì tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; là nguồn gốc để phát triển khoa học kĩ thuật và công nghệ cao; nhờ có cạnh tranh mà các doanh nghiệp luôn vận động, đổi mới liên tục để phát huy hết khả năng, tạo ra sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao. Tuy nhiên, cạnh tranh cũng có thể mang lại những hậu quả xấu như: làm thay đổi cấu trúc xã hội trên phương diện sở hữu của cải; gây ra hiện tượng độc quyền; sự bất bình đẳng về đối xử trong chính sách quản trị quốc gia; sự tác động không đều của những sức mạnh phi thị trường vào nền kinh tế và cùng với những “sân sau”, “lợi ích nhóm” có thể làm cho thị trường thiếu minh bạch và thiếu công bằng.

Bên cạnh việc thừa nhận, bảo vệ, khuyến khích những thuộc tính tốt đẹp của cạnh tranh; nhà nước cũng cần điều chỉnh các hoạt động cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh trên thị trường bằng các chế định pháp luật, các can thiệp khác nhằm khắc phục những khuyết tật thị trường do cạnh tranh đem lại để bảo đảm cho nền kinh tế quốc gia phát triển bền vững. Thực tiễn, việc điều tiết cạnh tranh được thừa nhận ở tất cả các quốc gia phát triển theo cơ chế thị trường và nhiều quốc gia đã chứng minh nếu được kiểm soát tốt, cạnh tranh mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế, cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Như vậy, cần có chính sách để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và có khung pháp lý để quản lý cạnh tranh nhằm đảm bảo tối đa hóa phúc lợi xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đem lại lợi ích lâu dài.

Trước tình hình trên, với nhiều công cụ và biện pháp, chính sách, pháp luật cạnh tranh – được xem là “Hiến pháp của kinh tế thị trường” sẽ góp phần quan trọng vào việc lành mạnh hoá thị trường, bảo vệ mọi lợi ích chính đáng trong kinh doanh.

Thứ nhất, nhà nước là chủ thể có trách nhiệm cao nhất trong bảo hộ và bảo vệ cạnh tranh, chăm lo cho sự lành mạnh của hoạt động cạnh tranh và cũng là để giữ gìn động lực phát triển kinh tế. Cơ quan có trách nhiệm thực thi các hoạt động này được quy định cụ thể tại Điều 7, Luật Cạnh tranh 2018 (có hiệu lực  ngày 01/7/2019) về trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh. Gồm:

- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cạnh tranh.

- Bộ Công thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiên quản lý nhà nước về cạnh tranh.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh.

- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Hơn ai hết, trong kinh tế, Nhà nước là chủ thể có trách nhiệm cao nhất trong bảo hộ và bảo vệ cạnh tranh, vai trò này được thực hiện thông qua vai trò, sức mạnh của cơ quan thực thi pháp luật về cạnh tranh. Các cơ quan này có trách nhiệm thực thi pháp luật cạnh tranh thông qua các hoạt động điều tra và xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh; cạnh tranh không lành mạnh; giám sát, rà soát hoạt động tập trung kinh tế của doanh nghiệp, quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, kiểm soát hợp đồng theo mẫu, các hoạt động hỗ trợ khác như công tác tuyên truyền, phổ biến luật cạnh tranh, hợp tác quốc tế, công tác tư vấn thông tin.

Thứ hai, duy trì và bảo vệ môi trường cạnh tranh bình đẳng, hiệu quả giữa các doanh nghiệp trên thị trường, bảo vệ sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện hữu. Thị trường Việt Nam còn tồn tại quá nhiều rào cản cho cạnh tranh và cho thực thi pháp luật quản lý cạnh tranh như tư tưởng quản lý kinh tế tập trung trước đây vẫn còn tồn tại, độc quyền hành chính, rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài còn lớn, vẫn còn phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã diễn ra ngày một nhiều nhưng xử lý chưa nghiêm khắc. Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực, việc thực thi pháp luật quản lý cạnh tranh nhằm để duy trì môi trường cạnh tranh, dần xóa bỏ các rào cản, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Việt Nam, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế.

Thực thi pháp luật quản lý cạnh tranh tại Việt Nam, ở khía cạnh xử lý các vụ việc vi phạm đã phần nào thể hiện được quyết tâm của Việt Nam trong thực thi các nội dung của pháp luật quản lý cạnh tranh, tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, pháp luật về quản lý cạnh tranh vẫn chưa quản lý cũng như chưa kiểm soát được hết các hành vi phản cạnh tranh đang diễn ra. Pháp luật không nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Pháp luật chỉ bảo vệ các doanh nghiệp được tự do sử dụng hết sức mạnh của mình để cạnh tranh; ngăn ngừa và xử phạt những thủ thuật cạnh tranh không lành mạnh. Như vậy, môi trường pháp lý cho hoạt động quản lý cạnh tranh đã được thể chế hóa, bảo vệ hoạt động cạnh tranh lành mạnh được phân phó cho các cơ quan có thẩm quyền.

Thứ ba, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan trong quá trình thực thi, điều chỉnh các hành vi cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo đảm các doanh nghiệp không thao túng thị trường. Điều này được thể hiện thống nhất trong suốt quá trình thụ lý hồ sơ, điều tra, xử lý vụ việc, ngăn ngừa mọi hiện tượng bất bình đẳng trong quá trình xem xét, đánh giá các hành vi phản cạnh tranh nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra, hoạt động quản lý cạnh tranh luôn đặt tiêu chí phải trên cơ sở tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, các quy luật chung vốn có của thị trường đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển.

Cuối cùng, nhà nước chỉ xuất hiện với tư cách đại diện cho quyền lợi chung của xã hội và một người cạnh tranh bình đẳng như những người cạnh tranh khác trên thị thường thông qua các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, các doanh nghiêp, tập đoàn nhà nước cũng phải thích nghi với sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài khác nhau. Ngoài ra, nhà nước sẽ rút lui một phần đáng kể khỏi nền kinh tế với tư cách là nhà sản xuất, nhà đầu tư trực tiếp chuyển sang vị thế là chủ thể điều tiết và hỗ trợ.

Tóm lại, chúng ta cần xác định đúng vai trò của nhà nước, kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường nhằm giảm thiểu sự tham gia của nhà nước trong các hoạt động kinh tế, cơ cấu lại độc quyền nhà nước, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân.  Cũng như đổi mới cách thức quản lý nhà nước theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng. Hoàn thiện mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, xác định rõ chức năng nhà nước và thị trường thông qua việc thiết lập và giám sát cơ chế đánh giá tác động cạnh tranh của các chính sách, pháp luật, đặc biệt cơ chế đánh giá, quản lý chất lượng các quy định về kinh doanh để bảo vệ môi trường cạnh tranh trên thị trường./.