Luật cảnh sát biển có số kí hiệu là gì

Lực lượng vũ trang chuyên trách của quốc gia có bờ biển thực hiện chức năng quản lí về an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của quốc gia có biển trên các vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia đó phù hợp với luật lệ quốc tế về biển.

Theo quy định tại Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28.3.1998, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng quản lí về an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan do Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kí kết hoặc gia nhập trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và sự thống nhất quản lí nhà nước của Chính phủ do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lí.

Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam hoạt động từ đường cơ sở ra đến ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Khi có yêu cầu, lực lượng cảnh sát biển có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, công an nhân dân, các lực lượng hải quan, giao thông vận tải, thuỷ sản, dầu khí và các lực lượng khác để thực hiện nhiệm vụ trong vùng nội thuỷ và các cảng biển Việt Nam. Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc gia nhập để bảo vệ chủ quyền, tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vận chuyển trái phép người và vận chuyển mua bán trái phép hàng hoá, vũ khí, chất nổ, chất ma tuý và các chất kích thích; chống các hành vi buôn lậu, cướp biển và các hành vi vì phạm pháp luật khác trong vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam. Trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc gia nhập để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán, phòng chống ô nhiễm môi trường; phát hiện, ngăn ngừa và đấu tranh chống các hành vi cướp biển, vận chuyển nô lệ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý và các chất kích thích. Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam còn có nhiệm vụ thực hiện sự hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình để góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự, hoà bình và ổn định trên các vùng biển trong khu vực và quốc tế; thu thập, xử lí kịp thời và thông báo cho các cơ quan chức năng các thông tin cần thiết; phối hợp với các lực lượng khác để bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng tài sản của người và phương tiện hoạt động hợp pháp trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, tham gia tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục các sự cố trên biển; phối hợp với các đơn vị khác của lực lượng vũ trang để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên các hải đảo, vùng biển thuộc lãnh thổ Việt Nam và quyền chủ quyền trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam có quyền kiểm tra, kiểm soát khi phát hiện người và phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lí vi phạm trong phạm vi thẩm quyền của mình, có quyền cưỡng chế, thực hiện quyền truy đuổi hoặc các quyền hợp pháp khác trong trường hợp người và phương tiện vi phạm pháp luật không chịu tuân theo hiệu lệnh, chống đối hoặc bỏ chạy; được quyền huy động người, phương tiện của tổ chức, cá nhân Việt Nam trong tình thế cấp thiết để đuổi bắt người và phương tiện phạm pháp, nổ súng trong các trường hợp pháp luật cho phép.

2. Lịch sử hình thành lực lượng cảnh sát biển

– Trước năm 1998, chính quyền Việt Nam không có một cơ quan Cảnh sát biển chuyên dụng nào mà chỉ có lực lượng hải quân tuần tra ngoài khơi cùng các hoạt động quân sự khác. Ngoài ra là các đội tàu tuần tra thuộc Bộ Tư lệnh Biên Phòng, trong đó có các trạm kiểm soát ở cửa sông, cảng biển. Còn lại, tất cả trách nhiệm tuần tra sông thuộc về Cảnh sát Giao thông đường thủy (Cục Cảnh sát giao thông đường thủy – C68) dưới sự chỉ đạo của Công an các tỉnh và thành phố.

– Cục cảnh sát biển Việt Nam thuộc Bộ tư lệnh Hải quân được thành lập Ngày 28 tháng 8 năm 1998, đánh dấu sự ra đời của Cảnh sát biển Việt Nam. Lúc mới thành lập thì Cục cảnh sát biển chỉ là một Cục chức năng và không chỉ huy các Vùng cảnh sát biển được thành lập sau đó. Ngày 28 tháng 8 cũng được chọn làm ngày kỷ niệm Cục cảnh sát Biển Việt Nam

– Năm 2008, Cục Cảnh sát biển được chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng và đồng thời các Vùng cảnh sát biển được chuyển về trực thuộc Cục.

– Năm 2013, Cục cảnh sát biển đổi tên thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển theo Nghị định số 96/2013/NĐ-CP, ngày 27 tháng 08 năm 2013 của Chính Phủ, Có con dấu hình quốc huy, là cơ quan mang danh nghĩa trực thuộc Chính phủ Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam có ngân sách riêng của Nhà nước, có cảnh hiệu, cảnh phục riêng do Chính phủ quy định. Ngày 10 tháng 9 năm 2014, các Vùng cảnh sát biển được đổi tên thành Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển theo quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng.

– Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 19/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Đây là đạo luật có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, quy định cụ thể những hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.

3. Phạm vi hoạt động của cảnh sát biển

Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong phạm vi:

– Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.

– Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam; khi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

4. Vị trí, chức năng của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam

– Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân và viên chức thuộc biên chế Cảnh sát biển Việt Nam.

– Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng sau:

+ Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển;

+ Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam;

+ Quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.

5. Nguyên tắc tổ chức hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam

Cảnh sát biển Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc sau:

– Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

– Tổ chức tập trung, thống nhất theo phân cấp từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đến đơn vị cấp cơ sở.

– Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

– Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển.

– Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.

6. Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam

a. Nhiệm vụ của cảnh sát biển Việt Nam

Nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định tại Điều 8 Luật Cảnh sát biển Việt Nam, theo đó cảnh sát biển Việt Nam có những nhiệm vụ sau đây:

“Nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam

1. Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển; nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.

2. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.

3. Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.

4. Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển.

5. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

6. Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.

7. Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.”

b, Quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam

Quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 9 Luật cảnh sát biển Việt Nam, theo đó, cảnh sát biển Việt Nam có các quyền hạn sau đây:

“1. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 14 của Luật này.

3. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

5. Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.

6. Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển.

7. Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp.

8. Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.