Tại sao gọi là xứ nẫu

Tại sao Phú Yên lại được gọi với cái tên là xứ Nẫu? Chị Nguyễn Thị Kim Liên, phóng viên Báo Phú Yên cho hay: Để giải thích cái tên này thì khá dài dòng nhưng nôm na, ngắn gọn, dễ hiểu nhất thì có thể hiểu rằng, "Nẫu” là đại từ xưng hô riêng của người dân Phú Yên và Bình Định. Thay vì xưng hô bằng các ngôi thông thường như cô, dì, chú, bác, anh, chị, em thì người dân nơi đây gọi nhau bằng đại từ xưng hô ngôi thứ ba là "Nẫu”. Xứ Nẫu không chỉ cuốn hút bởi những con người miền biển chất phác, mà nơi đây còn được thiên nhiên ưu đãi những thắng cảnh độc, lạ bậc nhất, cùng với đó là những di tích kiến trúc nghệ thuật vô cùng độc đáo.

Độc đáo ghềnh Đá Đĩa

Trước khi được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp của thắng cảnh độc nhất ở nước ta này, qua những thông tin mà chúng tôi tìm hiểu thì được biết: Ghềnh Đá Đĩa (hay con gọi là gành Đá Đĩa) ở Phú Yên là một trong năm ghềnh đá đĩa nổi tiếng trên thế giới. Bốn ghềnh đá đĩa khác nằm ở các nước: Ireland, Tây Ban Nha, Scotland và Hàn Quốc. Ghềnh đá đĩa được hình thành do núi lửa phun trào dung nham xuống biển, gặp nước lạnh đông cứng lại, kết hợp với hiện tượng ứng lực khiến khối nham thạch bị rạn nứt tạo nên những khối lăng trụ xếp chồng lên nhau như những chồng đĩa. Với cảnh quan độc đáo, từ lâu, những ghềnh đá đĩa này đã trở thành kỳ quan thu hút du khách đến khám phá. Ở Phú Yên, ghềnh Đá Đĩa cũng đang trở thành điểm đến mà du khách không thể bỏ qua khi đến thăm xứ Nẫu.

Tại sao gọi là xứ nẫu

Với cảnh sắc độc đáo, ghềnh Đá Đĩa ngày càng hút khách, là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với xứ Nẫu – Phú Yên.

Thắng cảnh ghềnh Đá Đĩa nằm ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa hơn 30km. Năm 1997, ghềnh này được công nhận là di tích quốc gia, sau này được đánh giá là một trong những điểm đến được mong đợi nhất ở nước ta. Những năm gần đây, lượng du khách đổ về ghềnh Đá Đĩa ngày càng tăng. Nơi đây, hiện được xây dựng thành khu du lịch khá sầm uất. Khác với hầu hết những bãi biển khác là có bãi cát trải dài, bờ biển ở ghềnh Đá Đĩa là những dãy đá, mỏm đá được nước biển quanh năm mài dũa trông khá kỳ vỹ. Dọc bờ biển này có một con đường mòn được xây dựng, với rào chắn được làm bằng những tảng đá lớn. Đây chính là con đường dẫn đến bãi đá đĩa độc đáo.

Ghềnh Đá Đĩa rộng hơn 1.000m2, với hàng nghìn chồng đĩa được xếp chồng lên nhau san sát. Những chồng đĩa hình lăng trụ, màu đen nhám xếp gối lên nhau đều tăm tắp, ngỡ như có bàn tay của con người can thiệp. Thế nên, từ xa xưa người dân nơi đây đã truyền tai nhau giai thoại về một người khổng lồ, vì yêu thích những bãi biển đẹp nơi đây nên ngày ngày ra ngắm biển rồi nhặt các khối đá gọt dũa và xếp lại với nhau thành bãi đá đĩa như ngày nay.

Mằng Lăng – nhà thờ cổ bậc nhất nước ta

Trên hành trình khám phá ghềnh Đá Đĩa, chúng tôi ghé thăm xã An Trạch, nơi có nhà thờ Mằng Lăng, một trong những nhà thờ công giáo cổ nhất ở nước ta hiện nay. Với tuổi thọ hơn 120 năm, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, hiện nhà thờ Mằng Lăng vẫn giữ nguyên được vẻ vững chãi, cùng với đó là những giá trị kiến trúc độc đáo của thế kỷ trước. Nhà thờ này được linh mục Joseph de La Cassagne (thường gọi là Cố Xuân), vị linh mục Chánh xứ đầu tiên của giáo xứ này khởi công xây dựng, với kiến trúc Gô – tích. Những hoa văn, họa tiết trang trí, cửa ra vào hình mái vòm của nhà thờ Mằng Lăng hiện nay chính là những nét đặc trưng của phong cách kiến trúc Gô – tích, được phát triển từ nửa sau thời Trung cổ ở Tây Âu.

Tại sao gọi là xứ nẫu

Ở Phú Yên có nhà thờ Mằng Lăng, một trong những nhà thờ công giáo cổ nhất ở nước ta.

Một điểm khá thú vị nữa khi ghé thăm nhà thờ Mằng Lăng là nơi đây đang lưu giữ cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Đó là cuốn "Phép giảng tám này” của cha Đắc Lộ. Cuốn sách này hiện đang được lưu giữ trong một quả đồi nhân tạo được xây dựng trong khuôn viên của nhà thờ Mằng Lăng. Trong quả đồi này hiện cũng đang lưu giữ những tư liệu quý về sự hình thành, phát triển của nhà thờ, cũng như những tư liệu về thánh Anre Phú Yên, một vị thánh tử vì đạo được sinh ra tại giáo xứ Mằng Lăng. "Hằng năm, vào dịp lễ kỷ niệm Chân phước Anrê Phú Yên, có rất đông bà con giáo dân ở địa phương và các nơi trong, ngoài tỉnh hành hương về nhà thờ Mằng Lăng. Đây không chỉ là nơi hành lễ, mà còn đang lưu giữ nhiều giá trị lịch sử quý giá”, chị Thanh, một người dân địa phương chia sẻ.

Nếu trong ngày, ghềnh Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng là những điểm đến không thể bỏ qua, thì tháp Nhạn là nơi được người dân lựa chọn để ngắm nhìn thành phố Tuy Hòa lung linh ánh điện về đêm.

Lên tháp Nhạn ngắm Tuy Hòa về đêm

Không quá ồn ào, náo nhiệt như thành phố biển Đà Nẵng, về đêm, TP Tuy Hòa (Phú Yên) khá yên tĩnh, dọc bờ biển thoảng có những quán nhậu hải sản "di động” nho nhỏ. Theo sự gợi ý của anh tài xế taxi, chúng tôi quyết định lên tháp Nhạn, vì nơi đây được coi là nóc nhà của thành phố, từ tháp Nhạn, TP Tuy Hòa nằm trọn trong tầm mắt. Về đêm, dưới ánh đèn điện, tháp Nhạn như được dát một lớp vàng óng ánh. Tháp được xây dựng trên núi Nhạn ở độ cao 64 mét so với mặt nước biển nên từ chân tháp, chúng tôi dễ dàng ngắm cảnh Tuy Hòa về đêm. Về đêm, TP Tuy Hòa bên sông Đà Rằng lung linh trong ánh đèn điện, với những tòa nhà cao tầng đang từng ngày xây dựng, một minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của thành phố trẻ này.

Còn về tháp Nhạn, theo những thông tin ghi trên bia đá, được biết: Tháp được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 16/11/1988. Đây là di tích kiến trúc đền tháp Chăm - pa cổ, có niên đại khoảng thế kỷ XI. Tháp có mặt hình vuông, mỗi cạnh khoảng 10 mét, chiều cao của tháp là 23,5 mét, tỷ lệ cân đối với ba phần: đế, thân và đỉnh tháp. Trên đỉnh tháp là tượng Linga bằng đá, biểu tượng tâm linh của người Chăm -pa. Trải qua hàng thế kỷ, với sự tàn phá của chiến tranh, sự bào mòn của thời gian, tháp Nhạn vẫn đang tồn tại, trở thành một biểu tượng về lịch sử và mang những giá trị kiến trúc, nghệ thuật độc đáo.

Tại sao gọi là xứ nẫu

Về đêm, tháp Nhạn lung linh như được dát vàng. Đây là di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia, nằm ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Rời tháp Nhạn, chúng tôi kịp ghé một quán ăn "di động” ven bờ biển trước khi chủ quán dọn hàng. Ở nơi đây, những quán nhậu nhỏ ven biển chỉ bán hàng đến khoảng 22 giờ. Do đó, sau thời gian này, Tuy Hòa dần chìm vào đêm lặng lẽ, yên tĩnh. Dù chỉ có 2 ngày ở mảnh đất này, thế nhưng phải thừa nhận, Phú Yên có sức lôi cuốn kỳ lạ, không chỉ bởi những thắng cảnh, di tích độc đáo, mà vì "Nẫu” - những con người thật thà, chất phác.

Xứ Nẫu là cụm từ thân thương và đặc biệt để nói về vùng đất Bình Định, Phú Yên. Để biết từ này bắt nguồn là từ đâu, xuất hiện từ khi nào, chúng ta phải quay ngược về thế kỷ 16.

Năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng được vua Lê cử vào nhận trọng trách Tổng đốc Thuận Quảng (Thuận Hóa Quảng Nam), từ đó ra sức củng cố cơ nghiệp ở phương Nam theo lời tư vấn của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dải hoành sơn đủ để tạo cơ nghiệp muôn đời). Lúc ấy, thừa tuyên (đơn vị hành chính cấp tỉnh) Quảng Nam kéo dài từ phía nam đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông.

Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan, có bổn phận đưa lưu dân nghèo không sản nghiệp đi khai khẩn vùng đất mới từ nam đèo Cù Mông đến đèo Cả (tỉnh Phú yên bây giờ). Sau 33 năm khai phá giúp nơi đây hình thành làng mạc, năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

Vì sao Bình Định, Phú Yên được gọi là 'xứ Nẫu'? (Trong ảnh là thắng cảnh Ghềnh Đá Đĩa của Phú Yên)

Năm 1629, chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) nâng cấp phủ Phú Yên thành đơn vị hành chính cấp tỉnh là dinh Trấn Biên (cả xứ Đàng Trong từ Quảng Bình vào Phú Yên có 7 dinh).

Do vùng đất mới dân cư còn thưa thớt nên các đơn vị hành chính của vùng biên viễn có những nét đặc thù. Dưới cấp huyện có cấp thuộc, dưới thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như phường, nậu, man. Phường là các làng nghề có quy mô như phường Lụa, phường Sông Nhiễu. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu nậu. Ví dụ: “nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm.

Do sự phát triển của Đàng Trong, năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chú (1697-1738) ra lệnh ban hành quy định phạm vi chức năng của các đơn vị hành chính. Các đơn vị như “thuộc", “nậu” bị xóa bỏ. Từ “nậu” được biến nghĩa dùng để gọi người đứng đầu trong đám người nào đó và sau này trở thành đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít. Từ “nậu” không xuất hiện độc lập mà chỉ có mặt trong các tổ hợp danh ngữ như:

Chiều chiều mây phủ Đá Bia

Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng

Mất chồng như nậu mất trâu

Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bơm.

Phương ngữ Phú Yên - Bình Định rút gọn đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách dùng dấu hỏi. Ví dụ "ông ấy", "bà ấy" được thay bằng “ổng”, “bả”, "anh ấy", "chị ấy" được thay bằng “ảnh”, “chỉ”. Và thế là “nậu” được thay bằng “nẩu".

Phương ngữ Thuận Quảng (Thuận Hóa – Quảng Nam) với “mô, tề, răng, rứa, chừ” vượt qua đèo Bình Đê (ranh giới Bình Định – Quảng Ngãi) được đổi thành “đâu, kia, sao, vậy, giờ”. Và đặc trưng ngữ âm của vùng Nam Trung bộ (Bình Định – Phú Yên) không phân biệt rạch ròi cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. Đặc biệt, với bà con vùng biển từ Hoài Nhơn (Bình Định) đến Gành Đỏ (Sông Cầu – Phú Yên), các âm dấu ngã đều được phát âm thành dấu hỏi. Riêng người ở đồng bằng Tuy Hòa khi phát âm không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã.

Bởi vậy, “nẩu” hay được phát âm thành “nẫu”. Đồng bằng Tuy Hòa trù phú, nhiều nhà giàu cho con cái đi học chữ phương xa. Các vị có chữ nghĩa viết chữ “nẩu” cách theo phát âm quen miệng thành chữ “nẫu”.

Ví dụ: Thay vì hỏi “Hôm nay người ta đi đâu mà nhiều vậy?” thì người dân Bình Định và Phú Yên hỏi là “Hôm nay nẫu đi đâu mà nhiều dậy?” hay “Cái nhà này là của họ” thì "dân xứ Nẫu" sẽ nói là “Cái nhà nhà này là của nẫu”. Chính vì vậy mà khi hòa cùng tiếng nói của mọi miền đất nước, tiếng nẫu sẽ không lạc vào đâu được.

Dần về sau, tự "nậu" biến mất và được thay thế bằng từ "nẫu" mang ý nghĩa là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba cả số ít và số nhiều. Vì "nẫu'" là "đặc sản" của cùng Phú Yên, Bình Định nên người ta gọi vùng này là "xứ Nẫu".

Hạ Vy(Tổng hợp)

Hạ Vy(Tổng hợp)